[Thiết kế] Motor CB là gì? Tại sao cần motor CB khi đã có MCCB?

[Thiết kế] Motor CB là gì? Tại sao cần motor CB khi đã có MCCB?
Bài này mình xin giới thiệu về motor CB cũng như khi nào và vì sao nên dùng motor CB.
Như anh em đã biết, MCCB hay CB khối là thiết bị bảo vệ ngắn mạch/quá tải cho các ứng dụng tổng quát như các mạch phân phối, đường dây, máy biến áp, động cơ…
Trong khi đó, Motor CB, CB động cơ hay MPCB (Motor Protection Circuit Breaker) là thiết bị bảo vệ được thiết kế chuyên biệt để bảo vệ động cơ khỏi các sự cố, phổ biến nhất là ngắn mạch và quá tải.
MPCB có 2 loại cơ bản: 1 loại chỉ có bảo vệ ngắn mạch, loại còn lại có bảo vệ ngắn mạch và quá tải (tích hợp chức năng relay nhiệt).
Vấn đề đặt ra trong bảo vệ động cơ là làm sao để CB bảo vệ được động cơ một cách chính xác khi sự cố xảy ra nhưng không trip khi động cơ đang khởi động.
1. Bảo vệ ngắn mạch: MPCB có ngưỡng cắt tức thời cao hơn MCCB.
MCCB thông thường có dòng cắt tức thời (In) khoảng 10 lần dòng định mức. Trong khi đó, MPCB có dòng cắt tức thời cao hơn, khoảng 13 lần dòng định mức. Thông số này giúp MPCB không tác động đối với 1 số tải có dòng khởi động cao quá 10 lần dòng định mức.
2. Bảo vệ quá tải: MPCB bảo vệ quá tải theo đặc tuyến quá tải của động cơ hay Class của tải (Class 10, Class 20…), MCCB bảo vệ không theo Class.
Theo chuẩn IEC, các loại tải khác nhau có các đặc tính quá tải khác nhau và cần được bảo vệ quá tải khác nhau. Ví dụ tải nhẹ như bơm quạt được xếp vào Class 10, tải nặng như máy nghiền được xếp vào Class 20…
Tính năng bảo vệ quá tải của MPCB được thiết kế theo Class nên nếu bạn có 1 tải Class 10 -> chọn MPCB Class 10, nếu tải Class 20 -> chọn MPCB Class 20. Thiết bị sẽ bảo vệ đúng.
Nếu bạn chọn MCCB thì có khả năng MCCB sẽ trip lúc đang khởi động.
Tóm lại
– Đối với động cơ công suất nhỏ (<100A) bạn nên dùng: MPCB loại có tích hợp relay nhiệt + Contactor.
– Đối với động cơ công suất lớn (>100A), MPCB chuyên dụng sẽ đắt tiền, do đó, bạn có thể dùng MCCB + Contactor + relay nhiệt

Bản đồ chỉ đường:

Language »